Nguyễn Phúc Đạt - sinh viên năm 3, ngành Kĩ thuật Không gian của trường Đại học Quốc tế đã tham dự kì thực tập Sokendai International Internship từ ngày 7/1/2019 tới 8/2/2019 tại viện nghiên cứu ISAS/JAXA, Nhật Bản dưới sự hướng dẫn của giáo sư Hideo Matsuhara, cùng với nhóm nghiên cứu của giáo sư ở Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ.
Sinh viên Nguyễn Phúc Đạt bên cạnh mô hình tên lửa MV trưng bày ở khuôn viên ISAS, JAXA, TP. Samigahara, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản.
“Mục tiêu dự án của em là nghiên cứu những ảnh hưởng của môi trường không gian lên chu trình tiến hóa của thiên hà cùng với sự hình thành AGN (Active Galactic Nuclei – hạt nhân thiên hà). Em dùng dữ liệu từ khảo sát NEPW (North Ecliptic Pole Wide-field) Survey – khảo sát thiên văn ở vùng vòng Bắc Cực, nơi không bị dải Ngân Hà che chắn, để xác định những nguồn sáng điểm có khả năng là cụm thiên hà. Bằng cách tính mật độ phân bố của các vật thể và chọn ra các vật thể phân bố dày đặc, em dùng Red Sequence (1 dạng biểu đồ HR - liên hệ giữa nhiệt độ bề mặt và năng lượng quang phổ) để chọn tiếp những vật thể có khả năng cao là thiên hà elip. Sau đó, dựa trên 2 yếu tố này, em đề xuất một danh sách các vật thể có khả năng cao là cụm thiên hà. Thông qua việc nghiên cứu quang phổ của những thiên hà trong cụm sẽ tiết lộ được những dấu hiệu sự hình thành sao mạnh mẽ. Đây là cách để tìm hiểu về những ảnh hưởng của môi trường lên chu trình tiến hóa của thiên hà - những thiên hà trong môi trường cụm thiên hà mật độ lớn thì sẽ hình thành sao khác như thế nào so với môi trường bình thường, cùng với tỉ lệ AGN bên trong thiên hà.” – Nguyễn Phúc Đạt.
Nguồn:
https://www.facebook.com/310286189351156/photos/a.414569875589453/767067063673064/?type=3&theater